Trẻ hóa suy thận, bệnh nhân ngậm ngùi chuyện sinh tử

Nhiều bệnh nhân phát hiện bệnh suy thận khi còn trẻ và buộc phải gắn mình với máy móc để lọc máu…

Ngậm ngùi vì mất sức lao động

7 năm trước, chị Nguyễn Thị Lệ (45 tuổi, huyện U Minh) là công nhân tại một công ty chế biến và xuất khẩu thủy sản trên địa bàn tỉnh Cà Mau. Nào ngờ, cơn “ác mộng” sức khỏe ập đến ngay trong giờ làm việc, phá tan cuộc sống bình yên của chị.

“Khi đó đang làm việc thì tôi choáng váng và ngất đi, khám sức khỏe ra mới biết mình suy thận. Với tôi, nỗi đau lớn nhất là mình lâm bệnh nặng và không còn sức lao động để lo cho cả nhà” – giọng chị Lệ yếu ớt.

Từ khi phát hiện bệnh suy thận, chị Lệ phải gắn bó với bệnh viện. Ảnh: Phong Linh.
Từ khi phát hiện bệnh suy thận, chị Lệ phải gắn bó với bệnh viện. Ảnh: Phong Linh.

Chuyển sang giai đoạn chạy thận, vợ chồng chị Lệ cũng thuê trọ ở lại Cần Thơ. Với tần suất lọc máu 3 lần/tuần, trung bình 4 tháng chị mới về quê 1 lần.

“Ở đây, tôi phụ chồng làm việc nhà, bán thêm bánh để kiếm sống. Thỉnh thoảng ai thuê gì cũng gắng làm vì được đồng nào đỡ đồng ấy. Bệnh cũng đã bệnh, tôi chỉ biết cố gắng điều trị để sống với chồng, con” – chị Lệ nói.

Cũng chạy thận tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, anh Nguyễn Phú Đông Phương (43 tuổi, TP Cần Thơ) không thể tiếp tục làm. Đến nay đã 4 năm kể từ khi phát hiện bệnh, sức khỏe của anh ngày một yếu dần đi.

“Mọi việc từ ăn ở, sinh hoạt đến kiếm thu nhập cho gia đình đều một tay vợ tôi lo. Giai đoạn đầu, tôi mặc cảm, stress nặng vì từng là trụ cột của gia đình còn giờ thì bất lực. Tôi muốn nói lên câu chuyện của mình để mọi người quý trọng sức khỏe, nhất là khi thấy những biểu hiện bất thường của cơ thể cần phải đi kiểm tra ngay, chú trọng khám sức khỏe định kỳ” – anh Phương nhắn gửi.

Anh Đông Phương (bìa trái) đang được điều dưỡng chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Phong Linh.
Anh Đông Phương (bìa trái) đang được điều dưỡng chăm sóc sức khỏe. Ảnh: Phong Linh.

Cảnh báo bệnh trẻ hóa

Bác sĩ Huỳnh Lê Anh Tuấn (Khoa Thận – Thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) cho biết: Trước đây, bệnh lý suy thận mạn tính thường được xem là bệnh của người cao tuổi, theo thời gian và các bệnh lý khác, chức năng các cơ quan trong cơ thể suy giảm. Tuy nhiên, gần đây bệnh thận mạn đang có xu hướng trẻ hóa. Thống kê của Bệnh viện cho thấy, trong 6 tháng đầu năm nay, tỷ lệ người dưới 40 tuổi nhập viện điều trị với chẩn đoán suy thận mạn chiếm tỷ lệ 15%.

“Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến suy thận – đặc biệt suy thận giai đoạn cuối – là những bệnh nhóm tim mạch và nội tiết, như đái tháo đường, bệnh gút, tăng huyết áp…Bên cạnh đó, bệnh lý tắc nghẽn đường tiết niệu mãn tính không can thiệp được dần dần biến chứng sang suy thận. Đặc điểm của Việt Nam nói riêng và các nước đang phát triển nói chung, có thêm nhóm bệnh là bệnh lý cầu thận, rất khó xác định nguyên nhân.

Với số lượng bệnh tăng dẫn đến quá tải, thỉnh thoảng một số thời điểm chúng tôi phải để hai bệnh nhân nằm một giường” – bác sĩ Tuấn cho hay.

Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ báo động tình trạng quá tải bệnh nhân lọc máu do suy thận. Ảnh: Phong Linh.
Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ báo động tình trạng quá tải bệnh nhân lọc máu do suy thận. Ảnh: Phong Linh.

Trước tình hình bệnh báo động, bác sĩ khuyến cáo người dân nên xây dựng lối sống lành mạnh (bao gồm uống đủ nước, ăn thực phẩm sạch, vận động thể chất thường xuyên, hạn chế thức khuya, căng thẳng, sử dụng chất kích thích, đặc biệt là các loại thuốc trên thị trường không theo chỉ dẫn y khoa); khám sức khỏe định kỳ; khám bệnh sớm khi có bất kỳ dấu hiệu nghi ngờ bệnh lý thận; khi đã phát hiện bệnh thì cần phải kiên trì và điều trị lâu dài.

Nguồn: Laodong.vn