Từ đây đến cuối năm 2024, dịch sốt xuất huyết rất dễ có nguy cơ bùng phát trên diện rộng ở một số địa bàn thuộc khu vực Tây Nguyên. Việc ngăn chặn dịch bệnh đang gặp nhiều khó khăn bởi trong nhân dân vẫn còn sự chủ quan, lơ là, còn ngành y tế ở một số địa phương thì đang thiếu thuốc men và vật tư y tế.
Dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp
Theo Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk, từ đầu năm đến ngày 20.7.2024, địa bàn có tổng cộng 715 ca nhiễm sốt xuất huyết với hơn 40 ổ dịch phân bổ ở khắp các huyện, thị xã, thành phố. Tuy chưa có ca nhiễm bệnh nào tử vong nhưng dự báo những tháng sắp tới, số ca nhiễm bệnh sẽ có dấu hiệu gia tăng khi mưa nhiều.
TP Buôn Ma Thuột là địa bàn có số ca nhiễm sốt xuất huyết nhiều nhất ở tỉnh Đắk Lắk với 203 trường hợp.
Bà Đỗ Thục Vy – Cán bộ Trạm Y tế phường Thành Nhất, TP Buôn Ma Thuột cho biết: Ngay khi phát hiện trường hợp nhiễm bệnh, lực lượng y tế lập tức xuống từng hộ dân điều tra, giám sát và phun hóa chất khử khuẩn, không để lây lan ra diện rộng.
Theo thống kê của Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, từ đầu năm đến giữa tháng 7.2024 đã ghi nhận 3.284 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 1.845 ca so với cùng kỳ năm 2023.
TP Bảo Lộc có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao nhất với 1.243 ca, chiếm 37,8% số ca mắc của toàn tỉnh. Tại tỉnh Lâm Đồng đã ghi nhận 1 ca tử vong. Trường hợp tử vong do sốt xuất huyết là bệnh nhân sinh năm 1986, ở thôn 1, xã Đại Lào, TP Bảo Lộc.
Cũng liên quan đến việc phòng, chống dịch bệnh, các ngành chức năng ở tỉnh Lâm Đồng đã kịp thời ngăn không để lây lan trên diện rộng 694 ổ dịch sốt xuất huyết.
Tại tỉnh Gia Lai, từ đầu năm đến nay địa phương ghi nhận gần 500 ca mắc sốt xuất huyết. Dự kiến, số ca mắc sốt xuất huyết sẽ gia tăng, nhất là vào các tháng cao điểm của dịch bệnh (từ tháng 6 đến tháng 11 hằng năm).
Ý thức phòng, chống dịch bệnh của người dân còn thấp
Ông Trịnh Văn Quyết – Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng – cho hay, dự báo tình hình bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn tỉnh tiếp tục ghi nhận ở mức cao trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết phụ thuộc nhiều vào yếu tố như thời tiết, khí hậu, lượng mưa trong năm. Sự biến đổi khí hậu, mưa nắng thất thường tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh tồn tại, nhân đàn. Đặc biệt, nền nhiệt độ của tỉnh Lâm Đồng tạo điều kiện thuận lợi cho quần thể muỗi Aedes phát triển.
Bên cạnh đó, một thực tế là hoạt động chống dịch tại các ổ dịch còn nhiều khó khăn, chưa được triệt để, hiệu quả còn thấp. Nguyên nhân là việc phòng, chống dịch bệnh chủ yếu phụ thuộc vào ý thức của người dân và cộng đồng thông qua các hoạt động diệt lăng quăng, loại trừ các ổ bọ gậy.
Ông Lê Phúc – Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Đắk Lắk – cho rằng, sốt xuất huyết hiện nay không còn là bệnh xảy ra theo mùa mà lưu hành quanh năm.
Mặc dù các hoạt động phòng, chống sốt xuất huyết đã được triển khai thực hiện nhiều năm nhưng số lượng gia tăng các ca sốt xuất huyết vẫn xảy ra. Có nhiều lý do, song có một yếu tố quan trọng là ý thức của người dân. Tại một số địa phương, công tác vệ sinh môi trường vẫn chưa được thực hiện thường xuyên. Sự hợp tác của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh còn hạn chế. Một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thấy hết tầm quan trọng của việc vệ sinh môi trường, chưa chủ động phòng, chống bệnh mà chỉ trông chờ vào việc phun hóa chất của ngành y tế.
Ông Hoàng Hải Phúc – Giám đốc CDC tỉnh Đắk Lắk – thông tin, trước tình hình dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk tăng nhanh và diễn biến hết sức phức tạp, đơn vị đã đề nghị Sở Y tế cấp bổ sung kinh phí phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm khẩn cấp, còn thiếu với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng.
Nguồn: Laodong.vn