Việc đổ mồ hôi trong khi tập thể dục có thể giúp kiểm soát đường huyết, ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh tiểu đường.
Lượng đường trong máu có thể giảm khi tập thể dục. Bởi, tập thể dục làm cho tế bào cơ tăng tiêu thụ đường để tạo ra năng lượng và lượng đường trong máu dễ dàng đi qua màng tế bào mà không cần insulin để giúp tăng chuyển hóa glucose.
Việc tập thể dục thường xuyên còn giúp làm tăng sự nhạy cảm insulin. Do đó tế bào cơ có thể sử dụng hiệu quả được lượng đường trong máu trong lúc tập và sau tập thể dục.
Hiệu quả của việc tập thể dục tác động lên đường huyết phụ thuộc vào thời gian hoạt động và nhiều yếu tố khác. Hoạt động thể lực có thể làm giảm đường huyết trong 24 giờ hoặc dài hơn sau khi luyện tập.
Tập thể dục thường xuyên giúp giảm lượng đường trong máu và tăng nhạy cảm insulin, giúp giảm được nguy cơ bệnh tiểu đường.
Trong quá trình tập thể dục cần cung cấp đủ nước. Cơ thể cần đủ nước để hoạt động trơn tru và đặc biệt quan trọng với bất kỳ hoạt động thể chất nào. Nếu tập luyện khi cơ thể bị mất nước, có thể dẫn đến giảm sức mạnh, sức bền và hiệu suất chung; làm tăng nguy cơ chấn thương liên quan đến tập luyện.
Cũng cần chú ý, tùy thuộc vào cường độ luyện tập mà sau khi tập lượng đường huyết có thể dao động cao hay thấp. Để cung cấp đủ năng lượng trong lúc tập luyện, gan là cơ quan dự trữ năng lượng của cơ thể sẽ phóng thích đường vào trong máu. Cơ thể cần có insulin để chuyển lượng đường này vào trong các tế bào để sử dụng. Vì vậy, khi hoạt động quá mức hoặc nồng độ insulin quá cao sẽ dẫn đến nguy cơ hạ đường huyết.
Tập thể dục là một trong những biện pháp hiệu quả giúp kiểm soát tốt đường huyết ở người tiểu đường nhưng phảichọn hình thức tập thể dục phù hợp với độ tuổi, tình trạng bệnh (nếu đang mắc tiểu đường). Theo khuyến cáo, người bệnh tiểu đường nên đi bộ 30 phút mỗi ngày, từ 3 đến 4 ngày/tuần là chế độ phù hợp. Trước khi lên kế hoạch tập luyện tốt nhất nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có bài tập phù hợp, an toàn.
Nguồn: Laodong.vn