Ghép tạng Việt Nam không thua thế giới nhưng người hiến ít

HUẾ – Ghép tạng Việt Nam không thua kém so với thế giới, mỗi năm nước ta thực hiện hơn 1.000 ca, nhưng tỉ lệ người chết não hiến tặng mô, tạng còn ít (chỉ 6%).

Ghép tạng Việt Nam không thua thế giới nhưng người hiến ít
Mỗi năm Việt Nam ghép tạng hơn 1.000 ca nhưng chỉ có 6% người chết não hiến tặng mô, tạng. Ảnh: Lan Hương.

Vượt qua rào cản

Ngày 3.8, Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, bệnh nhân P.T.T. (43 tuổi, ở Quảng Nam) vừa được ghép tim hiện dần hồi phục sức khỏe.

Trước đó, ngày 17.7, ngay khi nhận thông tin từ Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia có người cho chết não hiến tạng tại Bệnh viện Việt Đức, GS.TS Phạm Như Hiệp – Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế kích hoạt ê kíp nhận điều phối và cử 3 bác sĩ ra phối hợp cùng Bệnh viện Việt Đức, Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia để nhận tạng.

Bằng sự nỗ lực của các thầy thuốc, sau 4 giờ 52 phút kể từ thời điểm nhận tim và vận chuyển về Bệnh viện Trung ương Huế, “trái tim Hà Nội” đã đập lại khỏe mạnh trong lồng ngực của người bệnh tại Huế vào lúc 23h01 ngày 18.7.

Chia sẻ sau thành công của ca ghép tạng, GS.TS Phạm Như Hiệp cho biết, để hồi sinh cuộc đời cho bệnh nhân P.T.T, đội ngũ thầy thuốc bệnh viện xin tri ân tấm lòng cao cả của gia đình người hiến tạng đã vượt qua nỗi đau, mất mát để gieo sự sống, hạnh phúc cho người bệnh.

Nghĩa cử cao đẹp của người hiến tạng và gia đình để lại niềm xúc động lớn đối với những người trực tiếp thực hiện công việc chuyên môn.

Bệnh nhân được ghép tim ở Bệnh viện Trung ương Huế đã ổn định sức khỏe. Ảnh: Lan Hương.
Bệnh nhân được ghép tim ở Bệnh viện Trung ương Huế đã ổn định sức khỏe. Ảnh: Lan Hương.

Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế cho biết, thực tế cho thấy, mặc dù nhiều người hiểu rất rõ hiến mô, tạng là hành động cứu người song cũng không dễ dàng thực hiện bởi có nhiều rào cản, quan niệm từ gia đình, dòng họ và suy nghĩ tâm linh phải “chết phải toàn thây” ăn sâu trong tiềm thức.

Từ cái chết này, một sự sống khác hồi sinh

“Chứng kiến những bạn trẻ đang độ tuổi cắp sách tới trường, những người thanh niên đang độ tuổi thanh xuân tươi đẹp nhưng bị suy tạng đang giành giật sự sống từng ngày mới thấy rõ sự quý giá của việc hiến, mô tạng sau khi qua đời.

Khi ấy, sự ra đi của một người không còn vô nghĩa, bởi từ cái chết này, một sự sống khác được hồi sinh và sự “cho đi là còn mãi” của họ trở thành tấm gương, động lực để những người khác sống học tập làm theo và nhân rộng trong cộng đồng xã hội.

Sự diệu kỳ của những ca ghép tạng không chỉ đến từ sự thành công vượt bậc của y học, mà đan xen trong đó là những câu chuyện đầy tính nhân văn về tình cảm gia đình, về tình người” – GS.TS Phạm Như Hiệp chia sẻ.

GS. TS. Trần Văn Thuấn – Thứ trưởng Bộ Y tế cho rằng, ghép tạng Việt Nam không hề thua kém thế giới. Mỗi năm, Việt Nam ghép được khoảng 1.000 ca, nâng cao vị thế Việt Nam trong bản đồ ghép tạng trong khu vực.

Tuy nhiên, lĩnh vực này gặp nhiều thách thức do nguồn hiến tạng chưa nhiều, hầu hết là từ người cho sống; trong khi ở các nước phát triển thì con số hiến tạng từ người cho chết não nhiều hơn.

GS Thuấn lưu ý: “Điều này đòi hỏi chúng ta thay đổi tư duy, nhất là trong công tác vận động hiến tạng. Các đơn vị y tế từng bước xây dựng đội ngũ tư vấn viên bài bản, xác định nguồn tiềm năng để đội ngũ này tiếp cận, kiên trì, thuyết phục dần dần các trường hợp được chẩn đoán chết não… Đến nay, có gần 10.000 người đăng ký hiến mô, tạng sau lời kêu gọi của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại chương trình “Đăng ký hiến tặng mô, tạng cứu người – Cho đi là còn mãi”.

Nguồn: Laodong.vn