5 người nghi ngộ độc hóa chất ở TPHCM

TPHCM – 5 bệnh nhân nghi ngộ độc hoá chất trong tình trạng có người hôn mê, có người co giật, có người tỉnh, khó thở và hầu hết giảm ôxy máu.

5 người nghi ngộ độc hóa chất ở TPHCM
Bệnh nhân nghi ngộ độc được cấp cứu tại huyện Bình Chánh và đặt nội khí quản chuyển viện. Ảnh: NGUYỄN LY

Ngày 10.8, theo thông tin từ Bệnh viện huyện Bình Chánh TPHCM, trong ngày 9.8, bệnh viện tiếp nhận 5 trường hợp nghi ngờ ngộ độc hóa chất. Các bệnh nhân gồm: N.V.L.E (31 tuổi), B.N.H (26 tuổi), N.T.S (24 tuổi), V.H.K (19 tuổi) và N.C.D (50 tuổi).

Tại Bệnh viện huyện Bình Chánh, các bệnh nhân đều được chẩn đoán suy hô hấp, ngộ độc chất vô cơ và cần theo dõi ngộ độc Poly Aluminium Chloride. Trong đó, có 3 bệnh nhân nặng đặt nội khí quản thở máy, 2 bệnh nhân thở ôxy qua mask và tiếp tục được chuyển đến các bệnh viện như: Bệnh viện Nhân dân 115, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương và Bệnh viện Trưng Vương.

Ghi nhận tại Bệnh viện Nhân dân 115, bệnh viện tiếp nhận bệnh nhân N.V.L.E (31 tuổi) và V.H.K (19 tuổi).

Theo bệnh sử, bệnh nhân N.V.L.E đang bốc xếp kiện hàng hóa chất cùng 4 người khác thì ngửi thấy có mùi lạ làm bệnh nhân đau đầu, lên cơn co giật toàn thể, tím tái nên được hồi sức tích cực và theo dõi sát.

Bệnh nhân thứ hai tại Bệnh viện Nhân dân 115 là bệnh nhân V.H.K, nhập viện trong tình trạng tỉnh, tiếp xúc tốt, thở ôxy qua mask. Bệnh nhân được chuyển vào Khoa Hồi sức tích cực với chẩn đoán suy hô hấp, theo dõi ngộ độc khí chưa rõ loại.

Trước đó, bệnh nhân V.H.K có khuân vác kiện hàng hóa chất. Khoảng 30 phút sau khi làm việc, bệnh nhân thấy chóng mặt, người tím tái kèm khó thở. Được biết, từ 15 giờ đến 16 giờ 30 phút, các bệnh nhân trên bốc xếp bột xử lý nước PAC tại Công ty TNHH thương mại dịch vụ và kỹ thuật Trương Nguyệt (xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh).

Poly Aluminium Chloride là một loại phèn nhôm tồn tại ở dạng cao phân tử (polymer). Hóa chất này còn được gọi là chất keo tủa hoặc chất keo tụ. Làm tăng độ trong của nước, kéo dài chu kỳ lọc cũng như tăng chất lượng nước sau khi lọc. Là tác nhân cô lập làm cải thiện đáng kể đặc tính của polymer trong nước.

Nguồn: Laodong.vn