Chế độ ăn mặn hoặc ăn nhiều muối trước đây có liên quan đến việc tăng nguy cơ tăng huyết áp, đột quỵ và các vấn đề về tim mạch khác, nhưng một nghiên cứu mới cho thấy thói quen này cũng có thể gây ra các đợt bùng phát bệnh chàm khiến da khô và ngứa.
Tiêu thụ nhiều muối có thể dẫn đến bệnh chàm
Nghiên cứu của Đại học California, San Francisco (UCSF) và Đại học California (Berkeley) mới đây đã phát hiện ra mối tương quan đáng kể giữa chế độ ăn nhiều muối và việc phát triển bệnh viêm da dị ứng, thường được gọi là bệnh chàm. Bệnh này khiến da bị khô và gây ngứa.
Nghiên cứu cho thấy, chỉ cần thêm một gam natri mỗi ngày (1.000 miligam) – khoảng nửa thìa cà phê muối có liên quan đến nguy cơ phát triển bệnh chàm nặng cao hơn 11%.
Phó Giáo sư Dịch tễ học tại UCSF – bà Katrina Abuabara – cho biết: “Nghiên cứu này đã chứng minh rằng, muối hay natri được lưu trữ trong da, điều này có thể giúp giải thích mối liên hệ với các vấn đề viêm nhiễm trong bệnh chàm”.
Theo bà Katrina Abuabara, mặc dù chưa chứng minh được việc giảm lượng muối trong chế độ ăn có thể cải thiện bệnh chàm, nhưng hầu hết người Mỹ đều ăn quá nhiều muối và có thể giảm lượng muối ăn vào ở mức khuyến nghị một cách an toàn.
“Bệnh chàm là một tình trạng viêm toàn thân mạn tính, đặc trưng bởi các vết mẩn ngứa có xu hướng xuất hiện trên da vào mất đi dần sau một thời gian” -bà Katrina Abuabara nói.
Theo bà Aluabara, vì natri được lưu trữ trong da nên nó cũng có thể ảnh hưởng đến một số tình trạng da tự miễn dịch nhất định. Trong nghiên cứu này, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra các mẫu nước tiểu được lấy trong khoảng thời gian 24 giờ từ gần 11.000 người tham gia. Trong đó, khoảng 5% số người đã được chẩn đoán bệnh chàm.
Việc bài tiết natri qua nước tiểu của người tham gia trung bình là khoảng 3 gram mỗi ngày. Nhưng với mỗi lần tăng bài tiết 1 gram natri, tỉ lệ mắc bệnh chàm của một người sẽ tăng lên. Bà Abuabara khẳng định, theo tính toán của nghiên cứu này, mỗi gram natri bổ sung có liên quan đến việc tăng 11% chẩn đoán bệnh chàm và làm tăng thêm 11% mức độ nghiêm trọng của bệnh này.
Chế độ ăn uống để kiểm soát bệnh chàm
Phó Giáo sư Dịch tễ học Katrina Abuabara đề nghị duy trì lượng muối (hoặc natri) tiêu thụ dưới 2.300 miligam (mg) mỗi ngày. Trong đó, những cách dễ dàng để bắt đầu kiểm soát lượng muối nạp vào cơ thể của bạn bao gồm tập trung vào thực phẩm nguyên chất như trái cây tươi, rau, ngũ cốc nguyên hạt, các loại hạt, hạt, các loại đậu, thịt nạc và hải sản, đồng thời tránh xa các thực phẩm chế biến quá mức và các thủ phạm có lượng natri cao cổ điển như đồ ăn nhẹ mặn, gia vị và thịt nguội.
Mặc dù áp dụng chế độ dinh dưỡng này không thể điều trị bệnh chàm, nhưng việc đảm bảo rằng, chúng ta cung cấp cho cơ thể các chất dinh dưỡng để hỗ trợ sức khỏe làn da và giảm viêm (như protein, axit béo omega-3 và vitamin A và C) và kiểm soát trọng lượng cơ thể có thể giúp ích, ngăn ngừa bệnh chàm, giúp da không bị khô và ngứa.
Nguồn: Laodong.vn