Phát hiện sốt cao liên tục, đau đầu, nổi ban đỏ ở cổ chân, bệnh nhân tự ý mua thuốc điều trị sốt xuất huyết tại nhà, khi nhập viện đã có nguy cơ rối loạn đông máu.
Số ca mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội tăng liên tiếp
Theo ghi nhận từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội tính đến thời điểm hiện tại, thành phố ghi nhận 84 ca mắc sốt xuất huyết, ổ dịch được phát hiện ở quận Đống Đa và huyện Đan Phượng, số ca nhập viện gia tăng liên tiếp trong 5 tuần.
Bà Thà (quận Đống Đa, Hà Nội) cho biết, cách đây 3 ngày, bà thấy trong người có biểu hiện mệt mỏi, đau đầu, nhức các khớp xương và có dấu hiệu lấm tấm xuất huyết ở hai cổ chân. Do chủ quan về bệnh, bà Thà đã tự mua thuốc để điều trị tại nhà, tuy nhiên bệnh không thuyên giảm, gia đình bà phải đưa đến viện để điều trị.
“Đây là đầu tiên tôi bị sốt xuất huyết. Ở nhà, tôi có biểu hiện sốt cao, đau đầu. Chủ quan nghĩ mình có tiền sử bệnh rối loạn tiền đình và bị cảm cúm thông thường nên tôi mua thuốc về uống nhưng không đỡ, mỗi lần đo nhiệt độ, cơ thể chỉ giảm sốt được 1- 2 độ C”, bà Thà cho biết.
Tương tự với bà Thà, ông Thượng ở quận Đống Đa nhập viện do sốt xuất huyết. Theo ông, gia đình rất chú trọng việc phòng chống dịch bệnh như ngủ buông màn, phun thuốc chống muỗi và côn trùng định kỳ.
Ông Thượng cho biết: “Tôi không có dấu hiệu mẩn đỏ trên cơ thể, chỉ thấy sốt cao và mệt mỏi, sau đó tôi lên viện khám, bác sĩ cho nhập viện làm xét nghiệm, thử máu thì tiểu cầu thấp và kết luận tôi bị sốt xuất huyết”.
Nguy cơ mắc biến chứng khi tự điều trị sốt xuất huyết tại nhà
Theo bác sĩ Nguyễn Thái Minh – Trưởng khoa Truyền nhiễm – Bệnh viện Đa khoa Đống Đa, Hà Nội, khi mới bị sốt xuất huyết, ban đầu dấu hiệu của bệnh nhẹ nên người bệnh dễ bị nhầm lẫn với các bệnh sốt thông thường. Không ít bệnh nhân tự điều trị tại nhà; khi vào viện, bệnh đã trở nặng, xuất hiện cục máu đông li ti.
Bác sĩ Minh cho biết thêm: “Khi mới bắt đầu mắc sốt xuất huyết, người bệnh thường lo lắng tìm mọi cách để hạ cơn nhanh chóng, như uống tăng liều thuốc hạ sốt, hoặc vừa dùng đường uống vừa dùng đường hậu môn…. Điều này cực kỳ nguy hiểm vì khi dùng quá liều có thể gây ngộ độc thuốc, suy gan, suy thận…. Như bệnh nhân Thà ngày thứ 3 vào viện qua kết quả xét nghiệm cho thấy bà có bạch cầu và tiểu cầu giảm, có nguy cơ rối loạn đông máu”.
Sốt xuất huyết (SXH) là bệnh truyền nhiễm, gây nên bởi virus Dengue, bệnh lây truyền qua véc tơ truyền bệnh là muỗi vằn. Các biểu hiện chính của bệnh là sốt cao, đau đầu, mỏi người. Bệnh chia ra 3 mức độ từ nhẹ đến nặng gồm SXH Dengue, SXH Dengue có dấu hiệu cảnh báo và Dengue nặng.
Bệnh SXH dạng nhẹ sẽ gây sốt cao, phát ban, đau cơ và khớp, rối loạn đông máu, suy đa tạng…. Nếu không được chẩn đoán sớm và điều trị kịp thời dễ dẫn đến dễ dẫn đến SXH dạng nặng, có thể gây chảy máu nặng, giảm huyết áp đột ngột (sốc) và tử vong.
Theo bác sĩ Nguyễn Thái Minh, ca mắc sốt xuất huyết từ đầu tháng 6 đến nay có xu hướng gia tăng. Do vậy, khi có những biểu hiện cúm, sốt, mệt mỏi, nổi ban…, người bệnh nên đến các sở y tế để khám và điều trị sớm, tránh để tình trạng bệnh diễn biến nặng.
Bệnh sốt xuất huyết không còn xảy ra theo một chu kỳ nhất định nào nữa mà xuất hiện quanh năm, ảnh hưởng lớn đến sức khỏe toàn thể cộng đồng. Đây là căn bệnh chưa có vắc-xin phòng tránh nên người dân chủ động tìm hiểu các biện pháp ngừa sốt xuất huyết là rất cần thiết.
Nguồn: Laodong.vn