Ăn chay là một cách đơn giản và hiệu quả để bảo vệ sức khỏe. Tuy nhiên, chế độ ăn chay có những nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe mà chúng ta cần lưu ý.
Những tư vấn của TS.BS Trần Bá Thoại, Ủy viên BCH Hội Nội tiết – Đái tháo đường Việt Nam, hiện đang sống tại Đà Nẵng, sẽ cho ta biết rõ thêm về điều này.
Lợi ích của ăn chay
Tuy không thể tiêu hóa, hấp thu và chuyển hóa ra năng lượng, nhưng chất xơ có nhiều lợi ích, góp phần quan trọng trong phòng ngừa một số bệnh, nguy cơ sau:
Ngừa táo bón và ung thư đại tràng
Chất xơ thực phẩm, đặc biệt chất xơ không hòa tan, làm tăng độ nhớt, tăng khối lượng chất trong lòng ống tiêu hóa. Ngoài ra, khi vào đến ruột già nó được vi sinh vật phân giải tạo ra nhiều sản phẩm và khí hơi, kích thích đại tràng làm có cảm giác mót “đi cầu”. Do đó, chất xơ rất cần thiết giúp ngăn ngừa táo bón.
Nhờ cải thiện chức năng ruột, chất xơ có thể làm giảm nguy cơ mắc bệnh và các rối loạn như bệnh túi thừa, bệnh trĩ và ung thư đại tràng.
Ổn định đường huyết
Chất xơ hòa tan làm chậm tiêu hóa và hấp thu chất bột đường, không làm tăng đường máu đột ngột sau ăn. Vì vậy chất xơ giúp người đái tháo đường ổn định đường huyết.
Hạ cholesterol máu
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy chất xơ thực phẩm cải thiện rõ các chỉ số chất mỡ trong máu, giảm nguy cơ bệnh mạch vành.
Giảm nguy cơ bệnh tim mạch
Bác sĩ James Anderson – ĐH Y Kentucky (Hoa Kỳ) – qua nhiều thập niên nghiên cứu tác dụng chất xơ với bệnh tim mạch và đái tháo đường đã đưa ra kết luận đăng trên báo Hội Dinh Dưỡng Hoa Kỳ chất xơ, nhất là từ lúa mạch, giảm cholesterol xấu LDL và tăng cholesterol tốt HDL.
Kiểm soát tăng cân, béo phì
Chất xơ không có giá trị dinh dưỡng, không tạo ra năng lượng, nhưng chất xơ làm tăng khối độ và độ nhớt thức ăn, gây đầy bụng, cảm giác no kéo dài và giảm ngon miệng, thèm ăn. Chất xơ khi lên men trong đại tràng làm giảm hấp thu chất béo. Kết quả về lâu dài của khẩu phần nhiều chất xơ sẽ có kiểm soát sự tăng cân, béo phì.
Những nguy cơ của ăn chay
Đạm thực vật thường “không hoàn chỉnh”
Nguồn protein từ thực vật, như trong ngũ cốc, đậu, và các loại hạt, đều là các chất đạm không hoàn chỉnh. Vì vậy, người theo chế độ ăn chay cơ thể không thể có được tất cả các acit amin theo nhu cầu.
Tiêu thụ quá nhiều carbohydrate
Với chế độ ăn chay tuyệt đối của các vị tu sĩ Phật giáo, vì chú tâm chỉ ăn “không động vật”, tránh sát sinh, mà không để ý tỷ lệ cân đối theo ô vuông thức ăn, khẩu phần ăn khá nhiều carbohydrates, đặc biệt là đường ngọt trong bánh ngọt, trái cây, và si rô ngô giàu fructose HFCS trong các loại nước ngọt giải khát, hậu quả là lượng carbohydrate tiêu thụ quá cao.
Ăn chay tuyệt đối tỷ lệ mắc đái tháo đường cao
Nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, trong ngắn hạn chế độ ăn chay có thể giảm cân, ổn định huyết áp, đường huyết… Nhưng trên người ăn chay trường, chế độ chay tuyệt đối tỷ lệ đái tháo đường rất cao và cũng có những rối loạn chuyển hóa.
Nghiên cứu GS.TS Nguyễn Hải Thủy và cộng sự trên 328 đối tượng thuần chay ghi nhận nồng độ triglycerid huyết thanh cao hơn bình thường và tần suất mắc bệnh đái tháo đường cao gấp 2,69 đến 4,03 lần so với người chọn chế độ ăn thông thường.
Hàm lượng vitamin B12 quá thấp
Ăn chay khiến cơ thể thiếu hụt loại Vitamin B12 nên cơ thể sẽ bị thiếu máu, với các triệu chứng mệt mỏi và suy nhược.
Hàm lượng acid phytic cao, tỷ lệ gãy xương cao
Nồng độ acid phytic trong ngũ cốc cao sẽ cản trở hấp thụ được canxi, magie, sắt và kẽm…. Người ăn chay trường có thể gãy xương tự phát vì lý do này. Có nghiên cứu cho thấy, phụ nữ ăn chay nguy cơ gãy xương chậu cao hơn thường 33%
Thiếu năng lượng
Mệt mỏi và suy nhược có thể là do thiếu một số loại vitamin mà chúng ta thường nhận được từ thịt và cá như vitamin B, kẽm… Một số người ăn chay cũng cảm thấy khiếu năng lượng và ít khả năng vận động cơ bắp hơn. Nguyên nhân ngoài thiếu vitamin còn do thiếu protein trầm trọng.
Một số lưu ý
Để khắc phục các nguy cơ nói trên, đảm bảo cơ thể được cung cấp đủ chất, cần để ý 3 điểm sau:
– Ăn đa dạng nhiều loại thực phẩm khác nhau,
– Chọn kiểu ăn chay có trứng, sữa, hay ăn chay linh hoạt.
– Bổ sung một số vi chất có thể thiếu khi ăn chay như: Vitamin B12, kẽm, sắt, magie, canxi… theo tư vấn của chuyên gia dinh dưỡng.
Chúng ta cần phân định rõ ăn chay với kiêng ăn hay nhịn đói. Nên ăn chay “đúng sách”, đa dạng thực phẩm, bổ sung đủ canxi, Vitamin B12, Vitamin D, tăng cường sử dụng thêm các probiotic, prebiotic, symbiotic như thực phẩm lên men, nấm với liều lượng thích hợp. Như vậy sẽ tốt cho hệ vi sinh vật đường ruột nói riêng và sức khỏe nói chung.
Nguồn: Laodong.vn