Bộ Y tế đang triển khai xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề thay thế Nghị định số 56, dự kiến ban hành trong năm 2024.
Chế độ phụ cấp đối với viên chức quản lý tuyến y tế cơ sở
Theo thông tin từ Bộ Y tế, thời gian qua, cử tri một số tỉnh thành có kiến nghị “bổ sung thêm chế độ, phụ cấp cho viên chức biệt phái để đảm bảo cuộc sống trong quá trình công tác”.
Trước kiến nghị này, Bộ Y tế cho biết ghi nhận ý kiến của cử tri để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định phù hợp với tình hình thực tế và các văn bản chỉ đạo của cấp có thẩm quyền.
Liên quan đến chế độ, chính sách, cử tri có đề nghị xem xét bổ sung nghề y vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm được nghỉ hưu trước 5 năm để đảm bảo sức khỏe cho viên chức, người lao động và chất lượng công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Bộ Y tế cho biết việc nghỉ hưu trước tuổi nhưng không quá 5 năm đối với các ngành nghề nặng nhọc, độc hại được quy định tại Bộ Luật Lao động và Luật BHXH. Do vậy, việc xem xét bổ sung nghề y vào danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm để được nghỉ hưu trước 5 năm không thuộc thẩm quyền của Bộ Y tế. Bộ Y tế ghi nhận kiến nghị, đề xuất của cử tri và sẽ tích cực tham gia ý kiến khi có yêu cầu từ các cơ quan có thẩm quyền.
Đối với đề nghị của cử tri lên quan đến nâng chế độ phụ cấp chức vụ của viên chức lãnh đạo, quản lý đặc biệt đối với viên chức quản lý tuyến y tế cơ sở (Trưởng, phó Trạm Y tế), Bộ Y tế cho biết ngày 16.5.2024, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-BYT quy định xếp hạng các đơn vị sự nghiệp y tế.
Theo đó, tại Thông tư này đã có phụ lục quy định về tiêu chuẩn xếp hạng trung tâm y tế huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đồng thời, mức phụ cấp chức vụ đã được điều chỉnh tăng như sau:
Trưởng trạm y tế xã, phường, thị trấn: mức phụ cấp chức vụ được điều chỉnh lên 0,3;
Phó trưởng trạm y tế xã, phường, thị trấn: mức phụ cấp chức vụ được điều chỉnh lên 0,2.
Đề nghị tăng phụ cấp cho cán bộ dân số
Cử tri đề nghị “bổ sung phụ cấp ưu đãi nghề vào đóng BHXH cho viên chức, người lao động để đảm bảo quyền lợi và đời sống cho viên chức khi nghỉ hưu theo chế độ”;
“Đề nghị tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với viên chức làm công tác Dân số Kế hoạch hóa gia đình như nhân viên y tế tuyến xã; tăng mức phụ cấp ưu đãi lên 100% đối với toàn bộ viên chức và người lao động công tác tại các cơ sở y tế công lập tại Nghị định 56/2011/NĐ-CP 04.07.2011 (Hiện nay mức phụ cấp ưu đãi nghề là 30%)”;
“Đề nghị xem xét tăng mức phụ cấp hỗ trợ cho cán bộ quản lý, viên chức làm hành chính: Ban lãnh đạo, phòng KHNV&DS, Phòng TCHC, Phòng TCKH, Phòng Điều dưỡng… tại Nghị định 05/2023/NĐ-CP ngày 15.2.2023 của Chính phủ về sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4.07.2011 của Chính phủ”.
Trả lời các vấn đề này, Bộ Y tế cho biết: Hiện nay, chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập được thực hiện theo quy định tại các văn bản sau:
Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4.7.2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập;
Nghị định số 05/2023/NĐ-CP ngày 15.2.2023 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP;
Thông tư liên tịch số 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC hướng dẫn Nghị định số 56/2011/NĐ-CP quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập do Bộ Y tế – Bộ Nội vụ – Bộ Tài chính ban hành.
Thực hiện Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21.5.2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp và Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội về giám sát chuyên đề việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19, Bộ Y tế đang triển khai xây dựng chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề thay thế Nghị định số 56/2011/NĐ-CP ngày 4.7.2011 của Chính phủ, dự kiến ban hành trong năm 2024.
Nguồn: Laodong.vn