Xyanua là chất cực độc có thể gây ngộ độc qua da, ăn uống hoặc hít phải khí độc. Mọi người có thể tiếp xúc với lượng xyanua thấp trong cuộc sống hàng ngày từ thực phẩm, hút thuốc và các nguồn khác.
Những vụ ngộ độc xyanua gần đây
Một số vụ án thương tâm đã xảy ra khi kẻ thủ ác dễ dàng sử dụng xyanua để đầu độc nạn nhân.
Năm 2019, tại Thái Bình vụ án đầu độc bằng loại hóa chất này khiến một người tử vong. Theo đó, Lại Thị Kiều Trang (sinh năm 1994, xã Vũ Quý, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình) đã bơm xyanua vào trà sữa với mục đích đầu độc người chị họ để “cướp” anh rể nhưng lại khiến chị Nguyễn Thị Hạnh (29 tuổi), nhân viên điều dưỡng Khoa nội 3, Bệnh viện Phổi tỉnh Thái Bình tử vong ngay sau khi uống phải cốc trà sữa này.
Vào năm 2020, tại Thanh Hoá, cũng có 2 nạn nhân tử vong sau khi uống rượu. Ngoài ra còn có 2 người bị ngộ độc. Nguyên nhân được xác định nạn nhân tử vong do bị đầu độc bằng chất xyanua có trong rượu.
Năm 2024, tại Đồng Nai, xuất phát từ mâu thuẫn trong gia đình, Nguyễn Thị Hồng Bích đã dùng xyanua hạ độc 4 người thân.
Xyanua hoạt động như thế nào trong cơ thể?
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, xyanua là một chất hóa học có tác dụng nhanh, có khả năng gây chết người, cản trở khả năng sử dụng oxy của cơ thể. Nó tác động đến hô hấp và gây ra tổn thương cho hệ thần kinh và các cơ quan khác trong cơ thể.
Thông thường, xyanua được sử dụng để sản xuất giấy, dệt may và nhựa. Muối xyanua được sử dụng trong luyện kim để mạ điện, làm sạch kim loại và loại bỏ vàng khỏi quặng. Khí xyanua được sử dụng để tiêu diệt sâu bệnh và sâu bọ… Tuy nhiên, có hơn 2.000 loài thực vật trong tự nhiên chứa chất độc này, trong đó có: Măng, sắn và hạt của các loại quả như táo, mơ, lê, mận, anh đào, đào… Ở những loại rau, quả này, xyanua liên kết với các phân tử đường dưới dạng glycoside cyanogen. Bản thân các glycoside cyanogen tương đối không độc hại. Tuy nhiên, chúng được chuyển hóa thành hydro xyanua độc hại trong đường ruột.
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên – Giám đốc Trung tâm chống độc (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, mọi người có thể tiếp xúc với lượng xyanua thấp trong cuộc sống hàng ngày từ thực phẩm, hút thuốc và các nguồn khác. Ăn hoặc uống thực phẩm có chứa xyanua có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Hít thở khí xyanua, đặc biệt là trong không gian thông gió kém có khả năng gây hại lớn nhất. Việc phơi nhiễm gây chết người với xyanua chỉ do tai nạn hoặc hành động cố ý. Trong số các loại thực vật dễ gây ngộ độc xyanua nhất có sắn và măng tươi.
Sau khi tiếp xúc, xyanua nhanh chóng đi vào máu. Cơ thể xử lý một lượng nhỏ xyanua khác với lượng lớn.
Với liều lượng nhỏ, xyanua trong cơ thể có thể được chuyển hóa thành thiocyanate, chất này ít gây hại hơn và được bài tiết qua nước tiểu. Trong cơ thể, xyanua với lượng nhỏ cũng có thể kết hợp với một hóa chất khác để tạo thành vitamin B 12, giúp duy trì tế bào thần kinh và hồng cầu khỏe mạnh.
Với liều lượng lớn, khả năng chuyển hóa xyanua thành thiocyanate của cơ thể bị hạn chế. Liều lượng lớn xyanua ngăn tế bào sử dụng oxy và cuối cùng những tế bào này sẽ chết. Tim, hệ hô hấp và hệ thần kinh trung ương dễ bị ngộ độc xyanua nhất.
Thuốc giải độc cho ngộ độc xyanua hữu ích nhất nếu được dùng càng sớm càng tốt sau khi tiếp xúc. Hai loại thuốc giải độc (natri nitrit và natri thiosulfate) thường được sử dụng để ngăn chặn tác động của ngộ độc xyanua nghiêm trọng. Các loại thuốc khác có thể cần thiết để kiểm soát các ảnh hưởng bổ sung tới sức khỏe của xyanua chẳng hạn như co giật. Những người gặp các dấu hiệu và triệu chứng nghiêm trọng cần được chăm sóc tích cực tại bệnh viện, đặc biệt là những người đã hôn mê. Bất kỳ sự chậm trễ nào cũng có thể dẫn đến tử vong.
Nguồn: Laodong.vn