TPHCM – Một tuần sau phẫu thuật, bệnh nhân 69 tuổi đột nhiên khó thở, suy hô hấp do huyết khối bít gần như kín hoàn toàn 2 động mạch phổi. Ê-kip bác sĩ tim mạch đã luân phiên hồi sức tim phổi gần 1 giờ để cứu người bệnh.
Bà P.T.T (69 tuổi), nhập viện cấp cứu ngày 7.6, trong tình trạng tắc ruột trên nền huyết áp cao. Qua kiểm tra, các bác sĩ phát hiện có một khối u lớn trong đại tràng, xâm lấn ruột non, gây nên tình trạng tắc ruột.
Các bác sĩ đã phẫu thuật mở hậu môn nhân tạo cho người bệnh. Bệnh nhân hồi phục tốt, tuy nhiên đến ngày thứ 7 sau phẫu thuật, bệnh nhân đột nhiên khó thở, suy hô hấp diễn tiến rất nhanh.
Bác sĩ Nguyễn Hải Thy – Khoa Ngoại tổng hợp Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, ngay khi bệnh nhân có dấu hiệu khó thở, khoa đã nhanh chóng đưa người bệnh đi chụp CT Scan do nghi ngờ tắc huyết khối, đồng thời báo ngay lên Khoa Nội tim mạch để hội chẩn.
Chỉ trong khoảng 30 phút, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng lơ mơ, khi chuyển lên Khoa Nội tim mạch, người bệnh ngưng tim, ngưng thở. Hình ảnh chụp CT ngực bệnh nhân cho thấy một bên động mạch phổi bị huyết khối bịt kín hoàn toàn, một bên bị bít 80%.
Ê-kíp cấp cứu của Khoa Nội tim mạch vừa luân phiên hồi sức tim phổi, vừa tiêm thuốc tan huyết khối, thuốc vận mạch liều cao. Bệnh nhân liên tục có nhịp tim rồi lại ngưng tim. Trong suốt một giờ đồng hồ, 5 bác sĩ và 3 điều dưỡng đã liên tục hồi sức, sử dụng 40 ống adrenaline vận mạch cho đến khi nhịp tim của bệnh nhân ổn định.
Bác sĩ Võ Tấn Được, Khoa Nội tim mạch chia sẻ: “Thông thường hồi sức tim phổi chỉ thực hiện trong 30 phút, nếu bệnh nhân không duy trì được nhịp tim trở lại thì sẽ thông báo tử vong. Tuy nhiên, đây là trường hợp đặc biệt vì chúng tôi vừa hồi sức, vừa theo dõi tiến trình tan huyết khối. Mặc dù bệnh nhân liên tục ngưng tim nhưng có dấu hiệu cải thiện dần nên ê kip vẫn quyết định duy trì hồi sức trong suốt một giờ đồng hồ”.
Sau khi kết thúc quá trình dùng thuốc và hồi sức, bệnh nhân tuy không ngưng tim, nhưng phải phụ thuộc vận mạch liều cao, toan chuyển hóa mức độ nặng, được lọc thận liên tục 24 giờ và nhiều biện pháp hồi sức tích cực khác.
Sau 7 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân đã hồi phục tri giác, cai máy thở, đang tiếp tục được theo dõi tại Khoa Ngoại tổng hợp.
BSCK2 Lê Hồng Tuấn, Trưởng Khoa Nội tim mạch cho biết, đây là một ca bệnh nặng. Thông thường các tai biến xảy ra ở ngày thứ 2 – 3 sau mổ, hiếm khi xảy ra ở ngày thứ 8. Người bệnh gần như tắc hoàn toàn 2 động mạch phổi, dẫn đến ngưng tim, thiếu máu não, suy đa cơ quan, khả năng cứu sống và hồi phục gần như bằng 0. Tuy nhiên, nhờ sự nỗ lực và phối hợp tối đa của 2 khoa, bệnh nhân đã được cứu sống ngoạn mục.
Đối với những bệnh nhân lớn tuổi, hoặc có bệnh lý nền đi kèm cần chú ý khám sức khoẻ định kỳ, bởi khi phát hiện các triệu chứng muộn bệnh nhân có thể tử vong nhanh chóng.
Nguồn: Laodong.vn