Đã có ca mắc bạch hầu tử vong, đường lây bệnh nguy hiểm này như thế nào?

Mới đây, một cô gái 18 tuổi tại Nghệ An được xác định tử vong do bệnh bạch hầu. Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã phân tích các yếu tố về nguyên nhân, triệu chứng và đường lây bệnh.

Ngày 8.7, đại diện Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh Nghệ An thông tin về bệnh nhân P.T.C, (18 tuổi, trú tại Bản Phà Khảo, xã Phà Đánh, huyện Kỳ Sơn) tử vong do bệnh bạch hầu. Sau khi mở rộng điều tra các trường hợp tiếp xúc, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An đã xác định được 119 người có tiếp xúc với bệnh nhân từ lúc khởi phát đến lúc tử vong.

Trong các trường hợp tiếp xúc gần, một người đã được xét nghiệm kết quả dương tính với bạch hầu và đang được điều trị tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

Lây lan dễ dàng qua đường hô hấp

Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng mũi họng cấp tính, gây ra bởi một trực khuẩn ái khí, gram dương có tên là Corynebacterium tấn công vào niêm mạc vùng mũi họng.

Vi khuẩn này tạo nên một loại giả mạc trắng dai, bám chặt và lan nhanh ra bao phủ toàn bộ lớp niêm mạc của đường hô hấp. Độc tố do bạch hầu tiết ra tác động vào tim và các mô ngoại vi, gây nên tình trạng nhiễm trùng và nhiễm độc toàn thân.

Nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân bạch hầu là độc tố tiết ra từ vi khuẩn bạch hầu tấn công vào các tế bào vật chủ, ngăn cản sự tổng hợp chuỗi Protein và gây chết tế bào. Bên cạnh đó, giả mạc vùng họng bít lấp đường thở cũng là nguyên nhân gây tử vong ở căn bệnh này – PGS.TS Phạm Thị Bích Đào thông tin thêm.

Bệnh bạch hầu có thể lây truyền trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua đường hô hấp. Ngoài ra vi khuẩn cũng truyền từ người này sang người khác thông qua vật trung gian như đồ chơi, vật dụng có chứa dịch tiết của người bệnh.

Tiêm vaccine là phương án phòng bệnh tối ưu

Theo bác sĩ Theo PGS.TS Phạm Thị Bích Đào, thời gian ủ bệnh của bệnh nhân bạch hầu trung bình từ 3 – 4 ngày, thậm chí là 1 ngày. Bệnh nhân bị bệnh bạch cầu thường có các biểu hiện như sốt cao, ho, khàn tiếng, đau đầu, hơi thở có mùi, da xanh tái, tắc nghẽn thanh quản và đường hô hấp dưới gây khó thở.

Quá trình mắc bệnh, sau 2-3 ngày xuất hiện giả mạc mặt sau hoặc hành hai bên thành họng, có màu trắng ngà, xám hoặc đen. Giả mạc của người bệnh dài, dễ chảy máu và dính.

Để chủ động phòng chống bệnh bạch hầu, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

– Đưa trẻ đi tiêm vaccine phòng bệnh bạch hầu theo lịch tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch.

– Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.

– Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.

– Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

– Người dân trong ổ dịch cần chấp hành nghiêm túc việc uống thuốc phòng, tiêm vaccine phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế.

Nguồn: Laodong.vn