Đến sáng nay (6.8), đã phát hiện thêm 4 trường hợp ở Thanh Hóa tiếp xúc gần với bệnh nhân bạch hầu có biểu hiện đau họng và 15 trường hợp tiếp xúc gần (F1).
Như Báo Lao Động đã thông tin, tối 5.8, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hoá khẳng định, trường hợp nghi mắc bệnh bạch hầu có địa chỉ tại khu phố Đoàn kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát đã mắc bệnh bạch hầu. Kết quả nhuộm soi của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh hình ảnh vi khuẩn bạch hầu và kết quả nuôi cấy dương tính (+).
Trước đó, ngày 4.8, bệnh nhân nữ Ph.L.M. (sinh năm 2007, địa chỉ ở bản San Cha, xã Dào San, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu; thường trú tại Tiểu khu Đoàn kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, Thanh Hóa) được chẩn đoán nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu và được chuyển lên Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hoá cùng ngày cách ly điều trị.
Kết quả thăm khám bệnh nhân có các triệu chứng: Đau rát họng, không sốt, không ho, không khó thở; vùng lưỡi gà và thành sau họng có nhiều giả mạc màu trắng ngà, bóng, dai, dính chặt; kết quả nhuộm soi hình ảnh vi khuẩn Bạch hầu; kết quả nuôi cấy (+). Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh bạch hầu/thai 8 tháng.
Cơ quan chức năng nhận định tình hình dịch tại khu phố Đoàn Kết, thị trấn Mường Lát, huyện Mường Lát, diễn biến phức tạp do phát hiện ca bệnh không rõ nguồn lây; cùng với kết quả tiêm chủng vắc xin đầy đủ các năm gần đây của Mường Lát chưa đạt yêu cầu do ảnh hưởng của dịch COVID – 19 và khan hiếm vắc xin có thành phần bạch hầu, nếu không kiểm soát tốt sẽ có nguy cơ bùng phát dịch.
Vì vậy, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đề xuất Ban chỉ đạo Phòng chống dịch huyện Mường Lát xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bạch hầu, trong đó tiếp tục truy vết tiếp xúc, vệ sinh môi trường nhà ở bệnh nhân và xung quanh bằng Chloramin B với nồng độ 0,1% Clo hoạt tính…; phân công cán bộ trực tiếp chỉ đạo hỗ trợ giám sát, xử lý ổ dịch theo quy định.
Đến sáng nay 6.8, cơ quan chức năng đã phát hiện thêm 4 trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân có biểu hiện đau họng và 15 trường hợp tiếp xúc gần (F1) với bệnh nhân.
Trước tình hình trên, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với Trung tâm Y tế huyện Mường Lát thực hiện giám sát, điều tra dịch tễ; tiến hành điều tra, giám sát và lập danh sách các trường hợp F1; hướng dẫn xử lý môi trường bằng Chloramin B với nồng độ 0,1% Clo hoạt tính tại khu vực nhà bệnh nhân và các trường hợp tiếp xúc với bệnh nhân.
Đồng thời chỉ đạo Trung tâm Y tế huyện Mường Lát, Trạm Y tế thị trấn Mường Lát tăng cường công tác truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh Bạch hầu; lợi ích của việc tiêm vắc xin phòng bệnh và tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch. Thực hiện lấy mẫu bệnh phẩm các trường hợp nghi ngờ F1 để gửi nhuộm soi tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh và Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương để làm xét nghiệm chẩn đoán.
Sáng 6.8, tin từ Trung tâm Y tế huyện Mường Lát cho hay, Trung tâm đã chỉ đạo Trạm Y tế thị trấn Mường Lát vận chuyển các trường hợp nghi ngờ đến Bệnh viện Đa khoa huyện để cách ly, điều trị.
Đối với các trường hợp F1 cách ly tại nhà và theo dõi tình trạng sức khoẻ trong vòng 14 ngày kể từ khi tiếp xúc lần cuối với ca bệnh xác định. Giám sát phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh, cách ly và điều trị kịp thời; tiếp tục truy vết các trường hợp F1 với bệnh nhân, lập danh sách, tổ chức cách ly và theo dõi sức khoẻ tại nhà theo quy định.
Nguồn: Laodong.vn