TPHCM – Đối với bệnh nhân không may mắc ung thư vú, việc mất tự tin sau phẫu thuật khi có một bộ ngực không trọn vẹn là điều thường gặp. Nhiều người đã sử dụng rất nhiều dụng cụ giả hỗ trợ để có được ngoại hình tự tin khi ra ngoài, nhưng sâu thẳm bên trong, tình trạng này vẫn ảnh hưởng nhiều đến tâm trạng và cuộc sống.
Chị Mỹ Thảo (tên nhân vật đã được thay đổi, 34 tuổi, ở Đồng Nai), mỗi ngày đều đi làm, thời gian nghỉ ngơi hiếm hoi chỉ có vào cuối tuần, nhưng chị cũng cố gắng kiếm việc làm tại nhà để gia tăng thu nhập. Vì vậy, việc đi khám sức khỏe đối với chị rất hạn chế.
Trong một lần nằm, chị Thảo cảm nhận được có phần khối cứng nhú lên trên bầu ngực. Khi sờ nhẹ, chị cảm thấy đau nhưng vẫn chủ quan nghĩ rằng gần đến tháng kinh nguyệt nên cơ thể thay đổi. Khoảng hai năm sau, khu vực có khối cứng đó bắt đầu đau nhiều, cơn đau dai dẳng khiến cuộc sống bị đảo lộn nên chị mới đến bệnh viện khám.
“Lúc đó, bác sĩ cho tôi đi siêu âm, chụp X-quang tuyến vú và khi đưa kết quả cho bác sĩ đọc, tôi bất ngờ khi biết mình đã bị ung thư vú, cần được can thiệp phẫu thuật để bảo tồn tuyến vú và không để di căn thêm,” chị Thảo nhớ lại.
Ca mổ đã kết thúc được hai năm, mọi thứ trở về quỹ đạo nhưng cảm giác mặc cảm và mất tự tin luôn ám ảnh chị. Rút hết tiền tiết kiệm, chị Thảo đã được bác sĩ tái tạo lại bầu ngực thành công khiến chị rất mừng.
Theo BS.CKII Vũ Hữu Thịnh – Quản lý và Điều hành Khoa Tạo hình Thẩm mỹ Bệnh viện Đại học Y Dược TPHCM, phẫu thuật tạo hình vùng đầu vú và núm vú là những kỹ thuật nhằm tạo hình thể giống như ngực ban đầu hoặc giống bên ngực còn lại sau khi người bệnh đã cắt bỏ vì bệnh lý ung thư vú.
Tạo hình có nhiều cách để thực hiện, thường thì vùng vú là vùng hấp dẫn của người phụ nữ. Khi do ung thư mà phải cắt bỏ ngực, sẽ khiến người phụ nữ mất tự tin, thậm chí ảnh hưởng đến chức năng cho con bú và làm mẹ.
Cách đây khoảng gần 20 năm, các nước phát triển đã tái tạo mô tuyến vú ngay khi thực hiện cắt bỏ phần mô tuyến vú bị ung thư. Hiện nay, tại Việt Nam cũng đã thực hiện được những phẫu thuật tái tạo lại vùng quầng vú, núm vú sau khi cắt bỏ mô tuyến vú, thay vì trước đây bệnh nhân phải đợi ổn định sức khỏe mới bắt đầu tái tạo tuyến vú.
Cũng theo bác sĩ Thịnh, tạo hình lại một núm vú chỉ là tạo hình về mặt thẩm mỹ, không khôi phục được chức năng tuyến sữa vì đã bị cắt bỏ, cảm giác vùng bầu ngực cũng không còn. Mục đích chính là tái tạo giống với bầu vú còn lại. Đồng thời, cần một thời gian để hồi phục nên độ sai lệch sẽ có. Rõ ràng, chỉ người trong cuộc mới hiểu, dù không còn được như trước kể cả sau khi tái tạo nhưng nhiều người vẫn chấp nhận vì trong đời sống, không ít chị em mặc đồ cũng cần ngực để tạo thẩm mỹ, tự tin. Việc tái tạo vú, núm vú sẽ làm tăng chất lượng cuộc sống.
Nguồn: Laodong.vn