Từ vụ một nữ khách hàng đi làm đẹp phải chi trả 513 triệu đồng gây xôn xao dư luận, ngành y tế Nghệ An đã công khai các cơ sở thẩm mỹ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động trên địa bàn tỉnh.
Vào ngày 27.6, sau khi xem quảng cáo trên mạng xã hội, chị H (30 tuổi) đã đến cơ sở thẩm mỹ Mayo Clinic Nghệ An (12 Nguyễn Phong Sắc, TP Vinh) để soi da và trị nám. Tại đây, chị được đưa vào phòng tư vấn riêng, được giới thiệu và mời chào nhiều dịch vụ khác.
Sau khi nghe tư vấn, chị H. đồng ý thực hiện một số dịch vụ làm đẹp và thanh toán số tiền 513 triệu đồng. Khi vừa thực hiện một số ít các dịch vụ như cấy chỉ nâng mũi và tiêm vào ngực…, chị này ngất xỉu và phải chuyển đến bệnh viện cấp cứu.
Sau khi thông tin lan truyền gây dư luận xôn xao, vào ngày 30.6, cơ sở thẩm mỹ nói trên đã hoàn lại cho chị H. số tiền 380 triệu đồng với lý do chị này hủy một số dịch vụ, đồng thời chị H. cam kết không khiếu nại, khiếu kiện.
Tuy nhiên, cơ quan chức năng Nghệ An vẫn tiếp tục làm rõ các thông tin của khách hàng phản ánh về những hiện tượng có dấu hiệu khuất tất tại cơ sở thẩm mỹ nói trên.
Để người dân hiểu rõ về các cơ sở thẩm mỹ được cấp phép và có sự lựa chọn đúng, dịp này, Sở Y tế Nghệ An đã cung cấp các cơ sở thẩm mỹ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép hoạt động.
Theo đó, toàn tỉnh Nghệ An hiện chỉ có 1 bệnh viện là Bệnh viện Răng Hàm Mặt và Phẫu thuật thẩm mỹ Thái Thượng Hoàng (28 Nguyễn Sỹ Sách, TP Vinh) được Bộ Y tế cấp phép hoạt động.
Cùng với đó, có 5 phòng khám thẩm mỹ do Sở Y tế Nghệ An cấp phép hoạt động đều có trụ sở tại TP Vinh.
Đó là Phòng khám bệnh Răng Hàm Mặt tư nhân Hoàn Mỹ, số 129 Nguyễn Du; Phòng khám phẫu thuật thẩm mỹ tư nhân 148 Nguyễn Văn Cừ; Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ tư nhân THAVI, số 2 tòa nhà Vicentra, Ngư Hải; Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ tư nhân Hường Xô, 02 đại lộ Lê nin và Phòng khám chuyên khoa thẩm mỹ Dr. Tiến, 08/liền kề Vinaconex 9 – đại lộ Lê nin.
Đây là những cơ sở được phép cung cấp các dịch vụ thẩm mỹ có sử dụng thuốc, các chất, thiết bị để can thiệp vào cơ thể người (phẫu thuật, thủ thuật, các can thiệp có tiêm, chích, bơm, chiếu tia, sóng, đốt hoặc các can thiệp xâm lấn khác) làm thay đổi màu sắc da, hình dạng, cân nặng, khiếm khuyết của các bộ phận trên cơ thể; xăm, phun, thêu trên da có sử dụng thuốc gây tê dạng tiêm.
Ngoài ra, đối với tất cả những cơ sở còn lại đều là cơ sở dịch vụ thẩm mỹ tự công bố bao gồm cung cấp các dịch vụ tắm hơi, massage, tắm nắng, thẩm mỹ không dùng phẫu thuật, cắt tóc, gội đầu, làm móng, trang điểm, vẽ lông mày…
Các cơ sở này chỉ được phép cung cấp dịch vụ không được gây chảy máu, không được thực hiện phẫu thuật trên cơ thể, không được kê đơn thuốc. Theo quy định, các cơ sở kinh doanh dịch vụ thẩm mỹ nói trên không thuộc ngành y tế quản lý.
Các cơ sở này hoạt động theo diện tự công bố dịch vụ, không thuộc diện được ngành y tế cấp phép hoạt động, không có bác sĩ mà chỉ có các nhân viên kĩ thuật. Các cơ sở này nếu có hành vi thực hiện kĩ thuật xâm lấn, tiêm, dùng tia laser, kê đơn thuốc… đều không được phép và sẽ bị xử lý theo quy định.
Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã xử phạt hành chính nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mĩ, phòng khám đa khoa hoạt động có hành vi vi phạm quy định, với mức phạt tiền lớn và biện pháp mạnh, bao gồm cả tạm đình chỉ hoạt động và rút giấy phép.
Tuy nhiên, theo Thanh tra Sở Y tế Nghệ An, hoạt động của nhiều cơ sở dịch vụ thẩm mĩ trên địa bàn tỉnh vẫn diễn biến phức tạp, có hiện tượng tiêu cực, khuất tất, lừa dối khách hàng.
Nguồn: Laodong.vn