Bà Elizabeth Barnes, RDN – nhà dinh dưỡng (và là chuyên gia rối loạn ăn uống, bệnh tiểu đường type 2 và sức khỏe tim mạch, Hoa Kỳ) cho biết, dầu ớt là một loại gia vị được làm từ dầu thực vật (như dầu đậu nành hoặc dầu cải, và bột ớt khô). Nó được sử dụng phổ biến trong ẩm thực châu Á để thêm gia vị và hấp dẫn thị giác cho một số công thức nấu ăn.
Nguồn hợp chất thực vật mạnh mẽ
Theo bà Elizabeth Barnes, ngoài công dụng nấu ăn, dầu ớt (ớt chưng) còn chứa các hợp chất chống oxy hóa và chống viêm và có thể giúp cắt giảm lượng natri nạp vào cơ thể.
Ngoài ra, ớt chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa và chống viêm mạnh như carotenoid và capsaicinoid. Carotenoid là sắc tố thực vật có thể giúp bảo vệ chống lại tổn thương tế bào do stress oxy hóa.
Căng thẳng oxy hóa là sự mất cân bằng giữa các phân tử phản ứng được gọi là gốc tự do và khả năng chống oxy hóa của cơ thể. Căng thẳng oxy hóa có liên quan đến nhiều tình trạng bệnh lý phổ biến, bao gồm bệnh tim và một số bệnh ung thư.
Ớt và các sản phẩm làm từ ớt, chẳng hạn như dầu ớt, có hàm lượng carotenoid cao bao gồm capsanthin, zeaxanthin, β-carotene, capsorubin và cryptoxanthin. Các sắc tố này tạo nên màu sắc của ớt và nhiều lợi ích sức khỏe của chúng.
“Carotenoid tan trong chất béo, nghĩa là dầu được sử dụng trong dầu ớt có thể tăng cường khả năng hấp thụ các hợp chất có lợi này”, bà Elizabeth Barnes nói.
Bên cạnh đó, dầu ớt cũng giàu capsaicinoid. Đây các hợp chất ancaloit tạo nên vị cay nồng của ớt. Giống như carotenoid, capsaicinoid có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm trong cơ thể. Ngoài ra, ớt còn chứa các chất chống oxy hóa khác, chẳng hạn như flavonoid, axit phenolic và vitamin C, tất cả đều góp phần vào tác dụng tăng cường sức khỏe từ ớt.
Giảm lượng natri hấp thụ vào cơ thể
Nhà dinh dưỡng Elizabeth Barnes cho biết, mặc dù cơ thể bạn cần một lượng nhỏ natri để hoạt động bình thường, nhưng hầu hết mọi người đều tiêu thụ quá nhiều natri mỗi ngày. Tiêu thụ quá nhiều natri có thể làm tăng nguy cơ mắc một số tình trạng sức khỏe, bao gồm bệnh thận, huyết áp cao và thậm chí là một số bệnh tự miễn.
Giá trị hằng ngày cho natri hiện được đặt ở mức 2.300 miligam hoặc ít hơn, tương đương với khoảng một thìa cà phê muối ăn. Người Mỹ trung bình tiêu thụ khoảng 3.400 mg natri mỗi ngày, vượt xa nhu cầu của cơ thể.
Vì vậy các loại gia vị cay, như dầu ớt, có thể có hiệu quả trong việc giảm lượng natri nạp vào cơ thể. Một số hợp chất có trong dầu ớt, như capsaicin, có thể giúp bạn sử dụng ít muối hơn bằng cách tăng cảm nhận của cơ thể về vị mặn.
“Nghiên cứu cho thấy những người thích đồ ăn cay có xu hướng ăn ít muối hơn và huyết áp thấp hơn. Lượng muối ăn vào giảm ở những người thích đồ ăn cay so với những người thích đồ ăn cay thấp là 2,5 gam mỗi ngày, tương đương với hơn một thìa cà phê muối”, bà Elizabeth Barnes nói.
Lưu ý
Theo bà Elizabeth Barnes, dầu ớt dù tốt cho sức khỏe nhưng nếu ăn đồ cay quá thường xuyên có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược axit và có thể làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh ung thư ở một số nhóm người, vì vậy, tốt nhất là bạn nên dùng dầu ớt với lượng nhỏ như một phần của chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng.
Nguồn: Laodong.vn