TPHCM – Các bệnh lý về nấm da hiện nay khá phổ biến, tỉ lệ mắc cao và khó điều trị. Với những bệnh nhân bị nặng, làn da sần sùi như da “cá sấu” đang thực sự ám ảnh cuộc sống và tâm lý của bệnh nhân.
Không thể nhớ đã bao nhiêu lần, chị Nguyễn Thị Thanh Hiền (tên nhân vật đã được thay đổi, 39 tuổi, tỉnh Bình Định) bật khóc vì làn da bị nấm của mình.
Theo chị Hiền chia sẻ, chị có cơ địa đổ nhiều mồ hôi tay, chân từ nhỏ nên gia đình cũng đưa đi nhiều nơi chữa trị nhưng không cải thiện. Có thời gian chị đến phòng khám da – thẩm mỹ y học cổ truyền với lý do lòng bàn chân dày sừng ngứa nhiều vào buổi tối và lúc sáng sớm hơn 2 năm nay. Tại đây, chị được bác sĩ điều trị bằng thuốc bôi kháng nấm tại chỗ, thuốc kháng nấm toàn thân nhưng không cải thiện. Tình trạng dày sừng da, làm chị Hiền giảm cảm giác lòng bàn chân, tự ti về mặt thẩm mỹ.
“Tôi thường xuyên thức khuya vì có cảm giác nóng bứt rứt trong người, thích uống nước mát và da dễ nổi mụn, thâm lại”, chị Hiền chia sẻ thêm.
Tại Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM, chị Hiền được bác sĩ chẩn đoán da dày sừng, nhiều vết cào gãi, kèm theo vết nứt kẽ ngón, các nếp da nổi rõ, bong vảy ít và rìa đỏ lan đến rìa bàn chân cả mặt trong, mặt ngoài.
Thạc sĩ – Bác sĩ Nguyễn Thị Quý – Phòng khám Da – Thẩm mỹ Y học cổ truyền, Bệnh viện Đại học Y dược TPHCM (cơ sở 3) cho biết, bệnh nhân được chẩn đoán thể nấm huyết ứ huyết nhiệt và sử dụng thuốc thảo dược đường uống kết hợp ngâm chân bằng công thức thảo dược. Kết quả sau 1,5 tháng, tình trạng da của bệnh nhân hết ngứa, giảm dày sừng, và bắt đầu cảm giác được lòng bàn chân.
Nấm bàn chân hay (Tinea Pedis) thường biểu hiện bằng vảy ngứa và vết loét giữa các ngón chân. Một số bệnh nhân có thể gặp các vùng tăng sừng với ban đỏ ở mặt trong, mặt bên và lòng bàn chân. Đôi khi có thể xuất hiện các tổn thương bóng nước gây đau, đồng thời phát triển bệnh nấm thân, bệnh nấm móng và bệnh nấm da.
Nấm bàn chân không được điều trị có thể dẫn đến viêm mô tế bào, viêm da mủ và viêm tủy xương, đặc biệt ở những bệnh nhân có tình trạng suy giảm miễn dịch, tiểu đường hoặc bệnh mạch máu ngoại biên.
Cũng theo bác sĩ Quý, 70% các trường hợp nấm bàn chân, chúng có khả năng xâm nhập vào các mô bị sừng hóa như da, tóc và móng. Nhóm nấm này có thể gây nhiễm trùng ở bất kỳ vị trí nào trên da, tuy nhiên, chúng thường ảnh hưởng nhất đến bàn chân, vùng bẹn, nách, da đầu và móng tay.
Các yếu tố thuận lợi phát triển bệnh nặng hơn như môi trường nóng ẩm, sử dụng giày dép chật trong thời gian dài, đổ quá nhiều mồ hôi, tiếp xúc kéo dài với nước.
Khoảng 80% bệnh nhân bị bệnh nấm da cấp tính đáp ứng tốt với điều trị kháng nấm tại chỗ. Tuy nhiên, 20% còn lại tiến triển thành bệnh nấm da mãn tính, kháng lại điều trị bằng thuốc chống nấm.
Nguồn: Laodong.vn