Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng hơn 41.000 trẻ bị dị tật bẩm sinh, trong đó khoảng 20.000 trẻ mắc dị tật nặng có thể phát hiện nhờ siêu âm.
Sản phụ L.T (24 tuổi, quận Bình Tân, TPHCM) đã may mắn được các bác sĩ chẩn đoán kịp thời vì nhịp tim thai nhi chậm. Trước đó, chị T. đã đi khám ở nhiều nơi và phát hiện nhịp tim của con đập chậm 50 lần/phút ở tuần thai thứ 29-30 (thông thường nhịp tim thai giai đoạn này là 140-160 lần/phút).
Tại Bệnh viện Từ Dũ TPHCM, chị T. được kiểm tra toàn bộ sức khỏe của mẹ và bé phát hiện bé bị tình trạng nhịp tim thai chậm bất thường đơn độc. Chuyên môn gọi là Block nhĩ thất (block A-V) độ III. Đây là một bệnh lý do sự tắc nghẽn việc dẫn truyền tín hiệu từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Ngoài ra, bé không kèm theo bất cứ sự bất thường về cấu trúc của tim hay cấu trúc các cơ quan nào khác. Nên ngay sau khi chào đời, bệnh nhi được đặt máy tạo nhịp, chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng 2 TPHCM tiếp tục điều trị. Sau 7 ngày, bệnh ổn định và bé được xuất viện.
Sự ra đời của y học bào thai – kỹ thuật đỉnh cao nhất trong y học sản phụ khoa – đã giúp chẩn đoán, phát hiện các bất thường của thai nhi trước khi ra đời, từ đó can thiệp và xử lý kịp thời tổn thương cho bào thai ngay trong bụng mẹ. Y học bào thai còn đánh giá các nguy cơ tái phát và đưa ra những biện pháp phòng ngừa ở những lần có thai sau, để có một thai kỳ khỏe mạnh và bình an nhất.
Nhờ ứng dụng thành công kỹ thuật y học bào thai vào các lĩnh vực như: Chẩn đoán trước sinh bằng các xét nghiệm sàng lọc (siêu âm, bấm ối, nhau thai, xét nghiệm NIPT, xét nghiệm gen…), điều trị xử trí bất thường thai nhi ngay trong bụng mẹ, phát hiện bất thường nhiễm sắc thể (phẫu thuật laser, điều trị các bệnh lý như song thai dị dạng, thai không tim…), đã giúp hàng triệu em bé chào đời khỏe mạnh, hàng triệu thai phụ tránh được những tai biến sản khoa nguy hiểm.
ThS.BS Đinh Thị Hiền Lê – chuyên gia sản phụ khoa, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh – cho biết, điều trị truyền máu song thai (TMST) là một trong những kỹ thuật đặc biệt của Y học bào thai. Theo y văn thế giới, truyền máu song thai là một biến chứng nguy hiểm của song thai cùng trứng, chung bánh nhau nhưng khác túi ối. Đây là hội chứng rất hiếm gặp, chỉ chiếm tỉ lệ khoảng 1/10.000 ở các bà mẹ mang song thai.
Nếu hội chứng truyền máu song thai xuất hiện trước tuần 20 của thai kỳ, thai nhi tử vong gần như 100% nếu không được can thiệp kịp thời và đúng kỹ thuật; mức độ nặng xảy ra trước tuần 16 sẽ cân nhắc chấm dứt thai kỳ. Nếu hội chứng xuất hiện trước tuần thứ 26, khả năng gây tử vong cho thai nhi đến 80-90% hoặc gây nên các tổn thương thần kinh, di chứng não nặng nề… Thai nhi mắc hội chứng TMST nếu không được điều trị kịp thời có nguy cơ tử vong trong bụng mẹ.
Nguồn: Laodong.vn