Nhớ nhanh 3 cách ngừa đột quỵ cho người thường làm việc đêm

Ngủ bù, hạn chế dùng đồ uống có chứa caffeine, ăn vừa phải là những cách giúp người thường làm việc vào ban đêm ngăn ngừa đột quỵ.

Những năm qua, đột quỵ đang dần trẻ hóa và trở thành nỗi lo của mỗi gia đình, đặc biệt là với người lao động thường xuyên làm việc đêm, làm việc trực tiếp dưới ánh nắng ngoài trời. Trao đổi với Lao Động, Tiến sĩ, Bác sĩ Hà Tấn Đức – Trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ) đã đưa ra lời khuyên ngăn ngừa đột quỵ đối với người lao động.

a
Tiến sĩ, Bác sĩ Hà Tấn Đức – Trưởng khoa Đột quỵ (Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ). Ảnh: Phong Linh.

Theo đó, đối với trường hợp người lao động làm ca đêm hoặc người thường xuyên làm việc vào ban đêm thì hôm sau phải ngủ bù, thông thường phải duy trì giấc ngủ từ 7 – 8 giờ/ngày.

Thứ hai, trong ca làm việc, người lao động nên hạn chế tiêu thụ các đồ uống có chứa chất kích thích, ví dụ như cà phê, trà hoặc thuốc lá. Nguyên nhân là vì các đồ uống này chỉ giúp tỉnh táo nhất thời, sau đó sẽ gây khó chuyển sang trạng thái nghỉ ngơi, giấc ngủ không sâu, giấc ngủ bị gián đoạn.

Thứ ba, người lao động cần đặc biệt quan tâm đến vấn đề ăn uống, phải đầy đủ các nhóm chất, không bỏ bữa. Đặc biệt ăn khuya vừa phải, chỉ cần ở mức không bị đói chứ không nên quá no, bởi có thể ảnh hưởng đến dạ dày và gây khó ngủ.

Người lao động thường xuyên làm việc ban đêm cần ghi nhớ 3 cách trên để ngăn ngừa đột quỵ. Ảnh minh họa: Phong Linh.
Người lao động thường xuyên làm việc ban đêm cần ghi nhớ 3 cách trên để ngăn ngừa đột quỵ. Ảnh minh họa: Phong Linh

Ngoài ra, theo bác sĩ Đức, đối tượng người lao động làm việc ngoài trời cũng có nguy cơ cao mắc bệnh đột quỵ vì thường xuyên phơi nhiệt độ cao và mất nhiều nước.

“Đối với nguy cơ phơi nhiệt độ cao, hôm nào trời nắng quá thì chúng ta buộc phải hạn chế. Đối với mất nước, người lao động nên uống các loại nước có các chất điện giải để bù lượng muối mất trong mồ hôi.

Một mẹo nữa là người lao động có thể dùng nước dừa tươi pha với một ít muối để hạn chế nguy cơ đột quỵ” – bác sĩ Đức thông tin thêm.

a
Người lao động làm việc trực tiếp dưới ánh nắng ngoài trời nên quan tâm bù nước. Ảnh minh họa: Phong Linh.

Tại Hội nghị Điều dưỡng Đột quỵ toàn quốc Chuyên đề “Xử trí cấp cứu đột quỵ thiếu máu não” hồi 22.6.2024, bác sĩ Chuyên khoa II Phạm Thanh Phong – Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ cho biết, đột quỵ là nguyên nhân gây tử vong và tàn phế hàng đầu trên toàn thế giới. Ở Việt Nam, mỗi năm có gần 200.000 ca đột quỵ mắc mới.

Nguồn: Laodong.vn