Bệnh bạch hầu hiện là bệnh thuộc nhóm B (là các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm có khả năng lây truyền nhanh và có thể gây tử vong) trong Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm của nước ta.
Ngày 8.7, thông tin từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nghệ An cho biết, các cơ quan chức năng địa phương đang khẩn trương rà soát danh sách những người đã tiếp xúc với người tử vong vì bệnh bạch hầu trú tại huyện Kỳ Sơn. Đến nay, đã xác định được 119 người tiếp xúc với bệnh nhân nói trên.
Liên quan đến ca bệnh tiếp xúc gần với trường hợp tử vong -bệnh nhân M. T. B (SN 2006), là nhân viên quán karaoke Quán Lá thuộc thôn Trung Tâm, xã Hợp Thịnh, huyện Hiệp Hòa, tỉnh Bắc Giang, Ngành y tế tỉnh Bắc Giang đã rà soát được 8 trường hợp tiếp xúc gần với ca bệnh và lấy mẫu xét nghiệm; thực hiện cách ly tại nhà 8 trường hợp tiếp xúc gần, điều trị dự phòng bằng kháng sinh 7 ngày và theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.
Hiện, Bộ Y tế đã đề nghị Bắc Giang, Nghệ An rà soát những người từng tiếp xúc gần với trường hợp mắc bệnh bạch hầu để giám sát, phát hiện sớm, xử lý triệt để ổ dịch.
Bác sĩ Phan Văn Mạnh, Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết: “Tại Việt Nam, nhờ có chiến lược tiêm chủng vaccine Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván (DPT) trong chương trình Tiêm chủng mở rộng từ năm 1981, nên tỷ lệ mắc bệnh bạch hầu đã giảm mạnh vào những năm 2010”.
Tuy vậy, từ năm 2013, lại lẻ tẻ xảy ra các đợt bùng phát dịch, chủ yếu ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên và gần đây là các tỉnh phía Bắc như Hà Giang, Điện Biên, Thái Nguyên.
Gần đây nhất vào khoảng tháng 9.2023, tại 2 tỉnh Hà Giang và Điện Biên, dịch bệnh nguy hiểm này đã cướp đi sinh mạng 2 người (có 1 thiếu niên 15 tuổi) và hàng chục người khác phải cách ly điều trị.
Thời điểm dịch bạch hầu xuất hiện, ông Trần Đức Quý – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang nhận định, đa phần các ca mắc đều tới từ nguyên nhân tiêm phòng vaccine chưa đủ mũi.
Mặt khác, tại các tỉnh miền núi phía Bắc, điều kiện y tế ít nhiều còn hạn chế, nhận thức của người dân chưa cao, thường xem nhẹ việc tiêm chủng.
Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm cấp tính, có tính chất gây dịch, chủ yếu lây truyền theo đường hô hấp, do trực khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây nên. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, nhưng 70% là ở trẻ dưới 15 tuổi và chưa tiêm vaccine. Ngay cả khi được điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh cũng lên tới 5 – 10%.
Nguồn gây bệnh bạch hầu là các bệnh nhân nhiễm bệnh hoặc người lành mang vi khuẩn nhưng không biểu hiện bệnh. Bệnh chủ yếu lây qua đường hô hấp khi tiếp xúc với giọt bắn của người nhiễm bệnh lúc ho, hắt hơi. Bệnh có thể lây qua con đường gián tiếp khi tiếp xúc với đồ vật bị nhiễm dịch mũi hầu từ người bệnh. Bệnh cũng có thể lây nhiễm khi tiếp xúc với vùng da tổn thương do bạch hầu.
Thể bệnh hay gặp nhất của bệnh bạch hầu là ở đường hô hấp (mũi, họng, thanh quản, khí phế quản), trong đó 70% là bạch hầu họng; các vị trí khác cũng có thể nhiễm bệnh như: Bạch hầu da, bạch hầu mắt…
Liệu pháp điều trị chính của bệnh bạch hầu là sử dụng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu (SAD), cần được sử dụng càng sớm càng tốt để trung hòa độc tố bạch hầu còn trong máu (hiệu quả nhất là trong vòng 48 giờ đầu).
Bên cạnh đó, bệnh nhân có thể được sử dụng kháng sinh như: Kháng sinh Penicillin, Erythromycin; có thể điều trị phối hợp với corticosteroid, quản lý đường thở, quản lý tim mạch và chế độ dinh dưỡng.
Với người bình thường cần được tiêm 3 mũi cơ bản với vaccine có chứa thành phần bạch hầu theo hàm lượng phù hợp với lứa tuổi. Cụ thể, tiêm mũi 1 càng sớm càng tốt; mũi 2 tiêm cách mũi 1 tối thiểu 4 tuần; mũi 3 tiêm cách mũi 2 tối thiểu 6 tháng. Người dân được tiêm nhắc lại 2 mũi, các mũi tiêm nhắc lại cách nhau tối thiểu 1 năm.
Nguồn: Laodong.vn