Việc sử dụng chất filler (chất làm đầy) trong thẩm mỹ khá phổ biến. Tuy phương pháp này không cần can thiệp phẫu thuật, nhưng nó lại đòi hỏi kỹ thuật tiêm rất cao và cần được bác sĩ giàu kinh nghiệm thực hiện, nếu không sẽ gây những biến chứng khó lường. Đặc biệt, gần đây liên tiếp có các ca tai biến nặng sau tiêm filler là lời cảnh báo tới xu hướng làm đẹp này.
Liên tiếp giải quyết các ca biến chứng sau khi tiêm filler
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà – Trưởng khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – cho biết, chỉ trong vài ngày khoa tiếp nhận 2 trường hợp biến chứng sau khi tiêm filler (chất làm đầy) tại cơ sở làm đẹp không uy tín, thậm chí có cả người bệnh làm đẹp tại nước ngoài, gặp tai biến vội vã trở về cầu cứu bác sĩ Việt Nam.
Như trường hợp của chị Đ.T.N (30 tuổi, Hà Tĩnh) hiện đang sống và làm việc ở Nhật Bản. Chị đi tiêm filler làm đẹp tại một cơ sở Spa chuyên làm đẹp da và móng tại Nhật Bản. Khi mới chỉ tiêm 0,5cc vào giữa trán chị đã cảm thấy sụp mí, hoa mắt, chóng mặt, buồn nôn và nôn mửa.
Ngay lập tức, người bệnh được tiêm thuốc giải nhưng vẫn cảm thấy khó chịu nôn nao không đỡ. Bác sĩ khám, không can thiệp gì và dặn về nhà theo dõi thêm tình hình sẽ ổn hơn sau 1 tháng. Những ngày tiếp theo chị đau tức hơn nhiều, kết giác mạc phù nề, mắt lúc đó gần như mù. Quá lo lắng về bệnh tình của mình, chị quyết định đặt vé trở về Việt Nam để điều trị sau 6 ngày tiêm filler.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà nhận định, đây là ca tai biến rất nặng sau tiêm filler gây biến chứng đến hệ mạch máu của mắt dẫn đến mất thị lực mắt phải, kèm dấu hiệu hoại tử cơ và tổ chức quanh nhãn cầu. Hiện tại bệnh nhân phải can thiệp mạch, các nhân viên y tế vẫn theo dõi sát tình trạng người bệnh để đề phòng các biến chứng tái phát.
Hay như trường hợp của bệnh nhân N.C.T (31 tuổi, Quảng Nam) đến viện trong tình trạng áp xe vú hai bên do tiêm filler ngực. Sau tiêm, trong ngực nổi các khối lổn nhổn và sưng đau, gần đây tình trạng nặng hơn nên chị đến bệnh viện tầm soát ung thư.
Bác sĩ phát hiện các khối filler đọng trong ngực giống như khối u, khuyên bệnh nhân phẫu thuật lấy ra. Tuy nhiên bệnh nhân không đến bệnh viện xử lý mà trở lại cơ sở thẩm mỹ viện để hút filler. Sau can thiệp, đau tức ngực, sốt cao, uống thuốc kháng sinh không bớt mới đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cho biết thêm, người bệnh được chẩn đoán là áp xe ngực với nhiều khối u filler do tiêm filler nâng ngực và chọc hút filler làm cho vi khuẩn ở bên ngoài đưa vào cơ thể.
Bất chấp nguy hiểm để làm đẹp
Theo BS.ThS Nguyễn Thị Hương Giang, khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, khi người tiêm filler không phải là bác sĩ chuyên khoa, không có kiến thức về tạo hình thẩm mỹ và nhất lại chỉ là nhân viên spa tiêm filler thì nguy cơ tiêm vào các nhánh mạch máu quanh ổ mắt rất cao.
Chỉ sau vài tháng tham gia khóa đào tạo, một thợ cắt tóc đã có thể tự tin thực hiện thủ thuật tiêm filler cho khách hàng, thậm chí khẳng định “đã được dạy hết cách xử lý các biến chứng”.
Nhiều cơ sở làm đẹp đã không hoạt động đúng chức năng được cấp phép. Ví dụ, spa chăm sóc da nhưng lại “đội lốt” thành phòng khám, viện thẩm mỹ có thể thực hiện các hoạt động tiêm filler, truyền trắng, cắt mí, treo cung mày, căng chỉ, thậm chí phẫu thuật nâng mũi, vùng kín… Thậm chí, họ còn đào tạo cho “ra lò” hàng loạt bác sĩ giả danh, bất chấp nguy hiểm của khách hàng.
Để đảm bảo an toàn, người dân nên tìm đến cơ sở y tế uy tín. Người tiêm filler phải là bác sĩ được đào tạo và có kiến thức đầy đủ về giải phẫu, về tạo hình thẩm mỹ, có chứng chỉ hành nghề. Bên cạnh đó, cần chọn sản phẩm tiêm filler có nguồn gốc, kiểm chứng độ an toàn, tinh khiết. Sau khi tiêm cần được theo dõi và được xử trí kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Trong trường hợp không may xảy ra tai biến khi làm đẹp, cần cố gắng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có đầy đủ trang thiết bị hiện đại với quy trình cấp cứu phối hợp đa chuyên khoa hoàn chỉnh để có thể cấp cứu cho người bệnh một cách hiệu quả nhất.
Nguồn: Laodong.vn