Vấn đề khi bác sĩ kê thuốc bổ nhiều hơn thuốc điều trị

Việc kê nhiều loại thuốc bổ trong đơn thuốc có thể dẫn đến những loại thuốc bị giảm tác dụng khi uống cùng lúc, tăng độc tính, thậm chí dẫn đến phản ứng xuất huyết, suy tạng, tử vong…

Vấn đề khi bác sĩ kê thuốc bổ nhiều hơn thuốc điều trị
Bộ Y tế đề nghị các đơn vị rà soát, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực trong kê đơn thuốc cho bệnh nhân. Ảnh: LỆ HÀ

Khi thuốc bổ đắt và kê nhiều hơn thuốc điều trị

PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – đã phải lên tiếng trước một đơn thuốc bổ. Người bệnh là cụ bà gần 80 tuổi cầm trên tay đơn thuốc với chẩn đoán cơn sụp đổ. Có thể hiểu đây chỉ là một triệu chứng (drop attack) của hội chứng hiếm gặp trên lâm sàng.

Bệnh tình của cụ bà đã được xác định nhưng điều PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu băn khoăn là những thuốc bổ được kê trong đơn. Trong đơn có 4 loại thuốc bổ cho nhiều bộ phận của cơ thể: bổ gan, bổ thần kinh, khoáng chất…

“Chúng ta vẫn có thói quen thuốc bổ là không nguy hại nhưng thực tế cái hại ngay trước mắt đó là “túi tiền” của những người nghèo. 4 loại thuốc trên chắc chắn đắt hơn 2 loại thuốc tăng tuần hoàn não được kê “xen kẽ” trong đơn là Cavinton và Memoril. Cái hại tiếp theo là uống nhiều thuốc là tăng nguy cơ tác dụng phụ và phản ứng chéo giữa các thành phần với nhau” – PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu bức xúc.

Theo PGS Hiếu, nếu bệnh nhân thực sự cần (kể cả vấn đề tâm lý) ông thường chỉ kê tối đa 1 loại và sẽ chọn loại không đắt tiền và rất thông dụng như Vitamin 3B, Panangin, Tanakan…

Đơn thuốc mà thuốc bổ nhiều hơn thuốc điều trị, khiến GS.TS Nguyễn Lân Hiếu bức xúc. Ảnh: LỆ HÀ
Đơn thuốc mà thuốc bổ nhiều hơn thuốc điều trị, khiến GS.TS Nguyễn Lân Hiếu bức xúc. Ảnh: LỆ HÀ

Nguy hiểm khi dùng thuốc bổ vô tội vạ

Để sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả cần đạt được 4 tiêu chuẩn sau. Thứ nhất, thuốc cho hiệu quả điều trị tốt, khả năng khỏi bệnh cao. Thứ hai, thuốc có tính an toàn cao, ít có khả năng xuất hiện các tác dụng không mong muốn (tác dụng phụ). Thứ ba, thuốc tiện dụng, dễ sử dụng, liều lượng phù hợp. Thứ 4, việc sử dụng thuốc mang lại hiệu quả về kinh tế, tức là người bệnh được sử dụng thuốc với giá thành hợp lý nhất.

PGS Hiếu cho rằng, thuốc bổ thường không có hàm lượng (mg, đơn vị…) còn thuốc chữa bệnh chắc chắn phải có hàm lượng.

Trước hết, người sử dụng thuốc cần có một số kiến thức nhất định về loại thuốc mà mình đang sử dụng. Hiểu rõ về thuốc sẽ giúp bạn sử dụng chúng đúng cách và hiệu quả.

PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) cho biết, trong tháng 8, Bệnh viện Bạch Mai sẽ triển khai thí điểm bệnh án điện tử trước khi triển khai rộng rãi. Đặc biệt, khi số hoá bệnh án và đơn thuốc đều rất rõ ràng, người bệnh không còn nỗi lo chữ bác sĩ xấu, không đọc nổi. Toàn bộ đơn thuốc sẽ được liên thông lên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế.

Theo thống kê từ Bộ Y tế, hiện mới chỉ có hơn 8.000/19.000 cơ sở khám, chữa bệnh thường xuyên thực hiện liên thông đơn thuốc.

Xử lý nghiêm việc lạm dụng kê đơn thuốc để lấy “hoa hồng”

Bộ Y tế đã có văn bản về việc tăng cường kiểm tra, giám sát kê đơn, chỉ định trong khám bệnh, điều trị cho người bệnh gửi các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và thuộc trường Đại học; Sở Y tế các tỉnh, thành phố; Y tế các bộ, ngành.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu Thủ trưởng các đơn vị trên tổ chức phổ biến và thực hiện nghiêm túc các quy định tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh và các văn bản liên quan, trong đó có quy định quan trọng như: Các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh: Kê đơn, chỉ định sử dụng thuốc chưa được cấp phép lưu hành theo quy định của pháp luật về dược trong khám bệnh, chữa bệnh; Kê đơn thuốc, chỉ định thực hiện các dịch vụ kỹ thuật, thiết bị y tế, gợi ý chuyển người bệnh tới cơ sở khám bệnh, chữa bệnh khác hoặc có hành vi khác nhằm trục lợi.

Việc sử dụng thuốc trong điều trị: Chỉ định sử dụng thuốc khi thật sự cần thiết, đúng mục đích, an toàn, hợp lý và hiệu quả; Việc kê đơn thuốc phải phù hợp với chẩn đoán bệnh, tình trạng bệnh của người bệnh…

Bộ Y tế đề nghị các đơn vị trên rà soát, phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các hành vi tiêu cực trong kê đơn thuốc, chỉ định các kỹ thuật, dịch vụ y tế để lấy “hoa hồng”, gây phiền hà nhằm trục lợi từ người bệnh cũng như Quỹ Bảo hiểm y tế.

Nguồn: Laodong.vn